TIN TỨC

Thí điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La

18/08/2023 | 346

Ngày 15/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1518/QĐ-UBND phê duyệt Đề án điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh 

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Quản lý, phát triển các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển kinh tế, giải quyết sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh trật tự tại các địa phương thuộc lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu

- Từng bước nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng, duy trì nguồn sinh thủy ổn định; đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác sử dụng và vận hành, nhất là trong mùa mưa lũ; đảm bảo nguồn sinh thủy phục vụ cho sản xuất điện năng, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

- Huy động các nguồn lực từ các Doanh nghiệp, thủy điện; lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và sử dụng có hiệu quả từ nguồn thu từ chi trả môi trường rừng để hỗ trợ đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ góp phần cải thiện sinh kế người dân và phát triển an toàn bền vững các lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường gắn kết với sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng thông qua xây dựng mô hình gắn kết giữa các nhà máy thủy điện tham gia và chia sẻ lợi ích với các cộng đồng địa phương về quản lý bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao mức độ tham gia của cộng đồng địa phương, hạn chế xung đột tác động đến rừng và bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

II. PHẠM VI, ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi, địa điểm

Phạm vi xây dựng Đề án điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại 04 lưu vực thủy điện nhỏ, gồm 12 thủy điện:

- Lưu vực Nậm Chiến, huyện Mường La: Thủy điện Nậm Chiến 1, Nậm Chiến 2, Chiềng Muôn, Pá Chiến.

- Lưu vực suối Nậm Hồng, huyện Mường La: Thủy điện Chiềng Công 1, Chiềng Công 2, Nậm Pia.

- Lưu vực Suối Nậm Chim, huyện Bắc Yên: Thủy điện Nậm Chim 1, Nậm Chim 2, Xím Vàng 2.

- Lưu vực Suối Sập, huyện Bắc Yên, Phù Yên: Thủy điện Suối Sập 1, Suối Sập 3.

2. Thời gian thực hiện: 03 năm (2023-2025), đến Quý IV năm 2025, tổng kết đánh giá hiệu quả của Đề án điểm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

III. XÂY DỰNG ĐIỂM CÁC MÔ HÌNH VỀ QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI CÁC LƯU VỰC THỦY ĐIỆN NHỎ

1. Thí điểm hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thực hiện hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo phương thức trả tiền trực tiếp theo điểm a, khoản 3, Điều 63, Luật Lâm nghiệp năm 2017 ‘‘b) Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;’’. Cụ thể, thực hiện hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp giữa các Doanh nghiệp, nhà máy thủy điện đang sử dụng dịch vụ môi trường rừng chi trả trực tiếp, ký hợp đồng và chi trả trực tiếp cho các chủ rừng tại một số lưu vực thí điểm. Để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thiết thực và mối quan hệ giữa Doanh nghiệp thủy điện với các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cộng đồng quản lý bảo vệ rừng, cụ thể:

a) Phạm vi, đối tượng thí điểm

- Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (một số nhà máy thuộc lưu vực thủy điện Nậm Chiến, Suối Sập, Suối Nậm Chim,… ).

- Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (Ban quản lý rừng đặc dụng Mường La, Tà Xùa và một số chủ rừng là cộng đồng có quy mô, diện tích lớn, tập trung).

b) Phương thức thực hiện

Quy mô diện tích rừng, đơn giá, hợp đồng, phương thức chi trả và các nội dung liên quan đến hình thức chi trả trực tiếp theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của các Sở, ngành và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

2. Xây dựng mô hình điểm tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cho bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ

a) Ví trí, địa điểm và quy mô, diện tích 6.727,0 ha

Diện tích rừng đặc dụng thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường La giao khoán cho 23 cộng đồng quản lý bảo vệ trên địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La với quy mô diện tích dự kiến 5.787,5 ha; diện tích thuộc khu rừng đặc dụng Tà Xùa và diện tích rừng phòng hộ, sản xuất giao cho 04 cộng đồng bản quản lý trên địa bàn xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên với quy mô, diện tích dự kiến 939,5 ha.

b) Xây dựng Quy chế quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao sinh kế cộng đồng lưu vực thủy điện nhỏ

Hướng dẫn, vận động các chủ rừng là cộng đồng bản có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng xây dựng và ban hành Quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống thôn/bản. Trong đó, định hướng vận động thôn/bản họp cộng đồng thống nhất tỷ lệ sử dụng tiền dịch vụ môi trường như sau:

- Chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng; tuyên truyền bảo vệ rừng; mua sắm phương tiện, dụng cụ, trang phục tuần tra, bảo vệ rừng;

- Chi làm giàu rừng, phát triển rừng;

- Chi hỗ trợ cho vay, cho mượn phát triển sinh kế;

- Chi hoạt động chung của cộng đồng;

- Chi dự phòng hỗ trợ rủi ro, tai nạn khi tuần tra, bảo vệ rừng.

c) Hỗ trợ xây dựng kế hoạch, quy ước và thành lập các tổ đội quản lý bảo vệ rừng từ Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC)

- Xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng hàng năm;

- Xây dựng quy ước quản lý bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng;

- Thành lập hoặc kiện toàn tổ quản lý bảo vệ rừng; xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng;

d) Nguồn kinh phí và phương thức thực hiện

- Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

 - Tổ chức ký kết hợp đồng thỏa thuận cam kết giữa Doanh nghiệp/thủy điện với các chủ rừng về bảo vệ rừng bền vững tại lưu vực thủy điện nhỏ.

 3. Xây dựng mô hình điểm trồng khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ bảo vệ môi trường tại các lưu vực thủy điện nhỏ 

a) Vị trí, địa điểm và quy mô, diện tích (556,1ha) tại 03 lưu vực với 09 thủy điện điểm thực hiện, cụ thể:

- Lưu vực Nậm Chiến (thủy điện Nậm Chiến 1, Chiềng Muôn, Nậm Chiến 2, Pá Chiến). Quy mô, diện tích hỗ trợ trồng khôi phục rừng 106,1 ha.

- Lưu vực Nậm Hồng (thủy điện Chiềng Công 1, Chiềng Công 2, Thủy điện Nậm Pia). Quy mô, diện tích hỗ trợ trồng khôi phục rừng 100,0 ha.

- Lưu vực Suối Sập (Bắc Yên), huyện Bắc Yên, Phù Yên (thủy điện Suối Sập 1, Suối Sập 3). Quy mô, diện tích hỗ trợ trồng khôi phục rừng 350,0 ha.

b) Thời gian trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng

- Diện tích trồng rừng năm 2021 và hoàn thành trong năm 2024 là 72,05 ha;

- Diện tích trồng rừng năm 2022 và hoàn hành trong năm 2024 là 350,0 ha;

- Diện tích trồng rừng năm 2022 và hoàn hành trong năm 2025 là 250,0 ha;

c) Nguồn vốn đầu tư trồng rừng

- Ngân sách Nhà nước đầu tư theo dự toán công trình trồng khôi phục rừng đặc dụng, phòng hộ đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo (theo Nghị quyết 261/NQ-HĐND ngày 11/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 276/NQ-HĐND ngày 12/5/2021 thuộc chương trình phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025).

- Nguồn ngân sách đầu tư trong thời gian đầu tư 4 năm xây dựng cơ bản, kết thúc tổ chức nghiệm thu công trình trồng rừng theo quy định hiện hành.

d) Vận động huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp thủy điện

Vận động các Doanh nghiệp thủy điện được hưởng lợi từ việc trồng phục hồi rừng phòng hộ đặc dụng, phòng hộ tại các lưu vực thủy điện để các cá nhân, cộng đồng địa phương xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế trồng phát triển các loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ hoặc phát triển các đàn gia súc trong thời gian rừng trồng chưa được hưởng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Dự kiến mức huy động nguồn lực từ các thủy điện dựa trên quy mô công suất:

- Các dự án có quy mô công suất 3MW<X<15 MW: 1,0 triệu đồng/ha.

- Các dự án có quy mô công suất  ≥ 15 MW: 1,5 triệu đồng/ha.

  - Yêu cầu về điều kiện diện tích rừng được trồng được phục hồi:

  + Vị trí diện tích rừng trồng tiếp giáp trực tiếp và có đường phân thủy đến lưu vực bảo vệ và duy trì nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện được hưởng lợi.

 + Diện tích rừng sau khi trồng, chăm sóc được hội đồng nghiệm thu của cấp có thẩm quyền nghiệm thu, đánh giá chất lượng tỷ lệ đảm bảo theo các quy định trồng rừng.

e) Phương thức và thời gian thực hiện

- Đối với nguồn kinh phí vận động hỗ trợ từ các Doanh nghiệp thủy điện cho các cá nhân, cộng đồng trồng rừng bảo vệ phòng hộ bảo vệ môi trường lưu vực thủy điện: Tổ chức ký kết thỏa thuận hỗ trợ giữa Doanh nghiệp, các cá nhân, cộng đồng hỗ trợ trồng rừng dưới sự giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương.

- Nguồn vận động đóng góp được hỗ trợ chuyển qua tài khoản của UBND các huyện trên cơ sở đó UBND huyện giao các phòng ban chức năng hoặc Hạt kiểm lâm chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn lập trình phê duyệt dự toán hỗ trợ cho các cá nhân, cộng đồng theo quy định. Thời gian thực hiện hỗ trợ trong năm 2023 sau khi đề án được UBND tỉnh phê duyệt.

4. Xây dựng mô hình điểm chuyển đổi từ đất canh tác nương rẫy trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang hỗ trợ trồng các loài cây ăn quả, cây lâm nghiệp phân tán có tác dụng phòng hộ tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện nhỏ

a) Quy mô, số lượng cây trồng phân tán trồng 04 lưu vực gồm 12 thủy điện: 20.000 cây xanh, trong đó:

- Lưu vực Nậm Chiến, huyện Mường La: 5.000 cây;

- Lưu vực Nậm Hồng, huyện Mường La: 5.000 cây.

- Lưu vực Suối Nậm Chim, huyện Bắc Yên: 5.000 cây.

- Lưu vực Suối Sập, huyện Bắc Yên, Phù Yên: 5.000 cây.

b) Loài cây trồng: Các loài cây lâm nghiệp bản địa lâu năm như: Giổi ăn hạt, Trám đen,….

c) Vị trí địa điểm, các khu vực trồng

- Lưu vực Nậm Chiến, huyện Mường La: Tại bản Ít, Cát Lình, bản Bâu trên địa bàn các xã Nậm Păm.

- Lưu vực Nậm Hồng, huyện Mường La : Tại bản Tốc Tát Trên, Kho Lao Trên, Mới, bản Tả Ván, Pá Chè trên địa bàn xã Chiềng Công.

- Lưu vực Suối Nậm Chim, huyện Bắc Yên : Tại bản Hang Chú, Pa Cư Sáng, Xím Vàng, Suối Lềnh trên địa bàn các xã Hang Chú, Xím Vàng.

-  Lưu vực Suối Sập, huyện Bắc Yên : Tại bản Chống Tra, Háng Đồng C, Chung Trinh, Suối Tọ, trên địa bàn các xã Háng Đồng, Suối Tọ và xã Tà Xùa.

- Đất sản xuất nông nghiệp canh tác nương rẫy;

- Đất lâm nghiệp chưa có rừng, có cây tái sinh;

- Vị trí bảo vệ an toàn hồ đập, dọc tuyến hành lang giao thông; các trường học, địa điểm công cộng trên địa bàn thuộc lưu vực thủy điện nhỏ.

d) Tiêu chuẩn cây trồng: cây trồng có tiêu chuẩn 12 đến 24 tháng tuổi chiều cao tối thiểu trên 80 cm.

g) Nguồn kinh phí hỗ trợ: Vận động các doanh nghiệp thủy điện hỗ trợ cây phân tán. Mức hỗ trợ bình quân 50.000 đồng/cây.

h) Phương thức thực hiện

- Các Doanh nghiệp thủy điện cam kết hỗ trợ cây trồng phân tán/hoặc nguồn kinh phí hỗ trợ trồng cây phân tán theo phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ cây trồng cho các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn lưu vực thủy điện (do doanh nghiệp thủy điện quyết định).

- Cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng có trách nhiệm bố trí công trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ trồng.

5. Thí điểm kinh doanh tín chỉ Các-bon rừng theo các chương trình, dự án được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt (dự kiến)

a) Quy mô, diện tích rừng: 64.489,44 ha.

b) Phạm, vi địa bàn thực hiện: các xã, bản trên địa bàn huyện Mường La và huyện Bắc Yên.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN VÀ TỔNG NHU CẦU VỐN

 1. Tiến độ thực hiện

 Đề án được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025, cụ thể sẽ triển khai:

- Tổ chức thực hiện Đề án.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá tổng kết đánh giá hiệu quả của Đề án.

2. Tổng nhu cầu vốn

 Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các mô hình thí điểm trong 03 năm là 63.409,8 triệu đồng, trong đó phân theo nguồn vốn:

- Lồng ghép nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư 45.200,0 triệu đồng (theo Nghị quyết 261/NQ-HĐND ngày 11/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 276/NQ-HĐND ngày 12/5/2021 thuộc chương trình phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025);

- Nguồn kinh phí thu từ dịch vụ môi trường rừng hỗ trợ trồng rừng bảo vệ 02 lưu vực suối Nậm Chiến và lưu vực suối Sập là 15.607,6 triệu đồng;

- Nguồn kinh phí vận động các Doanh nghiệp thủy điện hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trồng, phục hồi rừng bảo vệ lưu vực thủy điện là 2.602,2 triệu đồng, gồm: (1) hỗ trợ cho công tác trồng, phục hồi rừng bảo vệ thủy điện 1.602,2 triệu đồng; (2) hỗ trợ trồng cây phân tán trên đất nương rẫy 1.000,0 triệu đồng.

- Nguồn kinh phí từ dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC).

V. GIẢI PHÁP QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG TẠI MỘT SỐ LƯU VỰC THỦY ĐIỆN NHỎ

1. Giải pháp về tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp

- Tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương rà soát, thu hồi, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 92/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ quản lý nhà nước và chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo môi trường, điều kiện thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

- Rà soát trình cấp có thẩm quyền công bố, công khai diện tích lưu vực, diễn biến diện tích rừng, đất lâm nghiệp và độ che phủ rừng hàng năm để xác định diễn biến, biến động rừng tại một số công trình thủy điện nhỏ.

- Nghiên cứu đề xuất xây dựng/rà soát bổ sung các quy chế quản lý tổng hợp lưu vực thủy điện vừa và nhỏ trong đó có quy chế quản lý về rừng và đất lâm nghiệp tại một số thủy điện nhỏ.

- Tổ chức rà soát xác định quỹ đất lâm nghiệp trên cơ sở đó xác định quy mô diện tích thực hiện việc khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng, phục hồi rừng, đặc biệt tại các lưu vực xung yếu, vị trí địa điểm có độ che phủ rừng thấp để cải thiện độ che phủ rừng và nguồn sinh thủy tại các lưu vực thủy điện nhỏ.

- Thí điểm xây dựng mô hình liên kết giữa một số cộng đồng bản hoặc tổ chức (Hội cựu chiến Bình, Đoàn Thanh Niên,.....) địa phương với các Doanh nghiệp thủy điện nhỏ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thông qua các hoạt động hỗ trợ bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán, xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững phát triển sinh kế,.....

2. Giải pháp về chi trả dịch vụ môi trường rừng

- Đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống thôn/bản theo Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 19/11/2020 của UBND tỉnh.

- Tổ chức thí điểm áp dụng hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp thực hiện theo điểm a, điểm c, khoản 3, Điều 63, Luật Lâm nghiệp năm 2017:

“a) Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

c) Nhà nước khuyến khích áp dụng chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng tự thỏa thuận trên cơ sở mức tiền dịch vụ môi trường rừng do Chính phủ quy định.”

- Xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ Các-bon rừng. Nghiên cứu đề xuất xây dựng các mô hình nâng cao sinh kế cho người dân.

3. Giải pháp về lồng ghép nguồn lực từ các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước

- Rà soát các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương, trên cơ sở đó xác định quy mô, diện tích; địa điểm hỗ trợ, đầu tư; phương thức đầu tư, cách thức liên kết giữa nguồn lực đầu tư của nhà nước với người dân, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi từ môi trường rừng.

- Hỗ trợ, đầu tư trồng phục hồi rừng tại một số lưu vực thủy điện từ nguồn vốn thuộc Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng thuộc các lưu vực thủy điện nhỏ.

- Lồng ghép nguồn vốn từ dịch vụ môi trường rừng đầu tư, hỗ trợ cho công tác khôi phục và phát triển rừng; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.

4. Giải pháp về huy động nguồn lực từ các Doanh nghiệp thủy điện

- Khuyến khích các Doanh nghiệp thủy điện cam kết hỗ trợ đầu tư cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, xây dựng và thực hiện các mô hình, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nâng cao sinh kế (dược liệu dưới tán rừng; lâm sản ngoài gỗ).

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế thỏa thuận tự nguyện hợp tác hoặc thỏa thuận đặt hàng sử dụng rừng mới được hình thành (diện tích rừng trồng mới, rừng khoanh nuôi thành rừng) do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng trồng rừng, phục hồi rừng với các Doanh nghiệp thủy điện sử dụng dịch vụ môi trường rừng tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức ký cam kết mô hình liên kết giữa các chủ rừng là cộng đồng với các Doanh nghiệp thủy điện trong công tác quản lý và phát triển bền vững tại một số thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

5. Giải pháp về tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương

- Nghiên cứu đề xuất các chính sách bổ sung ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư bảo vệ môi trường; chính sách hài hòa lợi ích giữa các Doanh nghiệp thủy điện nhỏ với các đối tượng, hộ dân chịu tác động trong vùng lưu vực bị ảnh hưởng và trong quá trình quản lý bảo vệ phát triển rừng (mỗi lưu vực thuỷ điện nhỏ cần xây dựng được tối thiểu một mô hình sinh kế cho nhân dân phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng lưu vực; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao); chính sách miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

- Rà soát quy chế quản lý lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

6. Giải pháp về tuyên truyền vận động nhân dân

- Tuyên truyền vận động các Công ty/doanh nghiệp thủy điện và nhân dân chung tay hỗ trợ các nguồn lực hoặc trích một phần lợi nhuận hàng năm để hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng tổ chức bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ.

File đính kèm: Tải tại đây

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Ủy ban nhân dân huyện Mường La tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2024-2025

BQL Khu BTTN Mường La tổ chức họp giao ban tháng 3/2024

Tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn tại Khu BTTN Mường La

Chi cục Kiểm lâm Sơn La ban hành kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Sơn La (21/5/1974-21/5/2024)

Kiểm tra công tác PCCCR tại Khu BTTN Mường La

Chi cục kiểm lâm Sơn La triển khai nhiệm vụ năm 2024

Thống kê truy cập
Đang truy cập : 5
Hôm nay : 84
Hôm qua : 70
Tổng số lượt truy cập : 259844