Giới thiệu

Chức năng nhiệm vụ

1 năm trước | 57920

I. Vị trí, Chức năng

1. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (gọi tắt là Ban quản lý) là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

2. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp về tổ chức, hoạt động của Chi cục Kiểm lâm; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Ban quản lý có chức năng tham mưu giúp Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thực hiện trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng trong khu rừng đặc dụng; Bảo tồn, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật; bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và phát triển sinh vật; giáo dục nâng cao nhận thức môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi các Ban được giao quản lý.

4. Trụ sở chính của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đặt tại Sam síp, bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Quản lý, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; phục hồi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên trên diện tích được giao:

a) Bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật, nguồn nước và các nhân tố thiên nhiên khác; phòng cháy rừng, chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại và sinh vật ngoại lai xâm hại; ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, môi trường cảnh quan;

b) Phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên, các loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng; bảo tồn tính đa dạng sinh học;

c) Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa cảnh quan trong Khu bảo tồn.

2. Lập các báo cáo quy hoạch, các dự án đầu tư phát triển, bảo tồn trong phạm vi quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:

a) Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển cộng đồng, thực vật rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu và nguy cấp; Tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập tại Khu bảo tồn.

c) Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen các loài động vật, thực vật quý hiếm.

d) Xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

4. Tổ chức cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rừng.

a) Tiếp nhận, các loài bản địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của khu rừng đặc dụng tái thả về môi trường sống tự nhiên của chúng sau khi được cứu hộ nuôi.

b) Nghiên cứu, duy trì giống gốc, cung cấp nguồn giống cho phát triển gây nuôi; thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật; lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu, các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Cung ứng nguồn giống sinh vật, dịch vụ thú y cho các tổ chức và cá nhân để gây nuôi phát triển bền vững theo quy định.

c) Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học theo các đề tài, dự án nghiên cứu, thực nghiệm khoa học kỹ thuật về cứu hộ, phát triển sinh vật và bảo tồn đa dạng sinh học được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Hợp tác quốc tế về cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.

5. Sử dụng bền vững tài nguyên, hoạt động dịch vụ trong các Khu bảo tồn thiên nhiên.

a) Khai thác, sử dụng bền vững, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong Khu bảo tồn, đảm bảo chức năng bảo tồn, duy trì và phát triển sự đa dạng sinh học của rừng; bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử và môi trường.

b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, dự án phát triển du lịch sinh thái và tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ và Phát triển rừng, bảo vệ môi trường, du lịch, di sản văn hóa và quy chế quản lý khu rừng đặc dụng.

c) Tự tổ chức hoặc liên doanh, liên kết hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác thuê môi trường rừng để tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng đã ký kết ( nếu có).

d) Tổ chức, thực hiện các chính sách về dịch vụ môi trường theo quy định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giá trị đa dạng sinh học cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật.

6. Tổ chức xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương.

a) Chủ động xây dựng các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi và vùng đệm các Khu bảo tồn thiên nhiên; tổ chức các hoạt động thu hút cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân vùng lõi và vùng đệm theo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững;

b) Nghiên cứu xây dựng các mô hình lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến nông, lâm, ngư ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân trong vùng đệm;

7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng dân cư; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

8. Lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, giám sát và thực hiện các dự án có liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường, vườn thực vật, cây xanh, cây cảnh.

9. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định tại điều 75 của Luật Lâm nghiệp; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định; thực thi pháp luật theo quy định.

10. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu đề xuất các giải pháp tăng cường các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

11. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản được giao theo quy định hiện hành của Nhà nước.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm giao theo quy định của Pháp luật.

III. Tổ chức bộ máy

1. Lãnh đạo đơn vị, gồm có:

a) Giám đốc Ban quản lý và không quá 02 Phó Giám đốc .

b) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc theo quy định phân cấp quản lý về công tác tổ chức cán bộ hiện hành.

2. Các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Tổ chức - Hành chính;

b) Kế hoạch - Tài chính;

c) Khoa học và Hợp tác quốc tế.

d) Bảo vệ rừng đặc dụng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

e) Căn cứ yêu cầu thực tế về công tác cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật; giáo dục môi trường, dịch vụ môi trường và các quy định, điều kiện về nguồn lực của Khu bảo tồn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên có thể đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật; Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng.

IV. Biên chế

1. Biên chế của Ban quản lý là biên chế sự nghiệp nằm trong tổng biên chế sự nghiệp được giao hằng năm của Chi cục Kiểm lâm.

2. Căn cứ đề án vị trí việc làm được duyệt, số lượng biên chế công chức, viên chức được giao, Giám đốc Ban quản lý đề xuất Lãnh đạo Chi cục bổ sung biên chế đảm bảo đủ số lượng theo quy định của pháp luật.

3. Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng, bố trí công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Ban quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý hiện hành.

(Trích Quyết định số 57/QĐ-CCKL ngày 30/01/2020 của Chi cục Trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La)

 


Thống kê truy cập
Đang truy cập : 1
Hôm nay : 56
Hôm qua : 70
Tổng số lượt truy cập : 259816