TIN TỨC

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp

23/07/2024 | 100

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệ 

Hình ảnh: Vượn đen tuyền (con cái) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La

Nghị định điều chỉnh, bổ sung "Điều chỉnh phân khu chức năng của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn loài - sinh cảnh":

a) Chủ rừng lập phương án điều chỉnh phân khu chức năng với các nội dung chủ yếu sau đây:

Cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn;

Đánh giá hiện trạng rừng, các hệ sinh thái tự nhiên; các giá trị về đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật; giá trị khoa học, thực nghiệm, giáo dục môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường rừng đáp ứng tiêu chí của phân khu chức năng đối với phần diện tích điều chỉnh;

Xác định phạm vi, ranh giới các phân khu chức năng sau điều chỉnh trên bản đồ và các điểm vị trí trên thực địa;

Xác định các giải pháp thực hiện, tổ chức quản lý sau khi điều chỉnh các phân khu chức năng.

b) Hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh phân khu chức năng bao gồm:

Tờ trình điều chỉnh phân khu chức năng của chủ rừng (bản chính);

Phương án điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng theo quy định tại điểm a khoản này (bản chính);

Bản đồ hiện trạng rừng trước khi điều chỉnh và bản đồ hiện trạng rừng dự kiến sau khi điều chỉnh khu rừng đặc dụng thể hiện rõ phạm vi, ranh giới, phân khu chức năng (bản chính). Tùy theo quy mô diện tích của khu rừng đặc dụng, chủ rừng lựa chọn các loại bản đồ phù hợp, thống nhất cùng một tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000 hoặc 1/25.000 theo hệ quy chiếu VN2000.

c) Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý

Chủ rừng gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ);

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi chủ rừng biết để hoàn thiện và nêu rõ lý do;

Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được lấy ý kiến và quy định của pháp luật về hồ sơ điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng và nội dung phương án điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng quy định tại điểm a khoản này;

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản này;

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hoàn thành thẩm định;

Trường hợp kết quả thẩm định đủ điều kiện, trong thời gian 20 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

Trường hợp kết quả thẩm định không đủ điều kiện, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi chủ rừng được biết và nêu rõ lý do;

Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương điều chỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

d) Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng thuộc địa phương quản lý

Chủ rừng gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi chủ rừng biết để hoàn thiện và nêu rõ lý do;

Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các sở, ngành, địa phương có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được lấy ý kiến và quy định của pháp luật về hồ sơ điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng và nội dung phương án điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng quy định tại điểm a khoản này;

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của các sở, ngành, địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hoàn thành thẩm định;

Trường hợp kết quả thẩm định đủ điều kiện, trong thời gian 20 ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng;

Trường hợp kết quả thẩm định không đủ điều kiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi chủ rừng được biết và nêu rõ lý do.”.

 

Sửa đổi, bổ sung "Quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng"

1. Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng là công trình thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật về xây dựng, phải phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 14 Nghị định này và bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Không ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường;

b) Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất;

c) Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa;

d) Chủ dự án chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng.

2. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được lập các tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng, kết hợp tổ chức tham quan du lịch sinh thái và giáo dục môi trường rừng, tận dụng các tuyến đường mòn, xây dựng các trụ đỡ của đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, cầu dành cho người đi bộ, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.

3. Trong phân khu phục hồi sinh thái

a) Được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường ô tô cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, xây dựng các trụ đỡ của đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ;

b) Được xây dựng, lắp dựng công trình nghỉ dưỡng, lưu trú bằng vật liệu, cấu kiện lắp ghép, dễ tháo dỡ, nổi trên mặt nước, trên trảng cỏ, đất có cây bụi hoặc ở những nơi đất trống được tính theo độ tàn che của cây rừng, đảm bảo không tác động tiêu cực đến sinh trưởng, phát triển và phục hồi tự nhiên của cây rừng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên;

c) Quy mô, vật liệu, chiều cao, thời gian tồn tại và mật độ, tỷ lệ các công trình được xác định trong đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 14 Nghị định này nhưng tổng diện tích công trình không vượt quá 2% diện tích trong hợp đồng hợp tác, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng thuộc phân khu này;

Trường hợp tổng diện tích xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vượt quá quy định tại điểm này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn và tính chất, quy mô dự án cụ thể có văn bản đề nghị, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

4. Trong phân khu dịch vụ, hành chính của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

a) Được xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên trảng cỏ, đất có cây bụi, ở những nơi đất trống tính theo độ tàn che của cây rừng;

b) Được xây dựng, lắp dựng công trình nghỉ dưỡng, lưu trú bằng vật liệu, cấu kiện lắp ghép, dễ tháo dỡ dưới tán rừng, nổi trên mặt nước, đảm bảo không tác động tiêu cực đến sinh trưởng, phát triển và phục hồi tự nhiên của cây rừng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên;

c) Quy mô, vật liệu, chiều cao, thời gian tồn tại và mật độ, tỷ lệ các công trình được xác định trong đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 14 Nghị định này nhưng tổng diện tích công trình không vượt quá 5% diện tích trong hợp đồng hợp tác, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng.

Trường hợp tổng diện tích xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vượt quá quy định tại điểm này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn và tính chất, quy mô dự án cụ thể có văn bản đề nghị, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

5. Việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định tại Nghị định này.

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá sự phù hợp với quy hoạch xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 91 hoặc vị trí, tổng mặt bằng của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Đối với dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thực hiện theo phương thức cho thuê môi trường rừng thì một trong những giấy tờ chứng minh hợp pháp về đất đai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của chủ dự án là tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng theo quy định của Chính phủ về các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng, bao gồm: giấy tờ hợp pháp về đất đai của chủ rừng và hợp đồng cho thuê môi trường rừng giữa chủ rừng và tổ chức, cá nhân.”.

File đính kèm: Tải tại đây

Tuấn Anh


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tổ chức truy quét, kiểm tra rừng và theo dõi Vượn đen tuyền

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

Hội thi Vì rừng xanh quê hương ngôi nhà của vượn đen tuyền

Tập huấn nâng cao SMART tại Ban quản lý khu BTTN Mường La

Hội nghị giao ban khối tố tụng huyện Mường La 09 tháng đầu năm 2024

Chi bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tổ chức sinh hoạt định kỳ tháng 10

Thống kê truy cập
Đang truy cập : 6
Hôm nay : 31
Hôm qua : 10
Tổng số lượt truy cập : 279264